Nỗi khổ chỉ những người dùng Internet tại chung cư mới hiểu?

Mục Lục

Cũng tương tự như viễn thông, dịch vụ internet dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay. Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà internet mang lại còn không ít bất cập mà người dùng gặp phải từ phía các nhà cung cấp dịch vụ như lỗi đường truyền, vấn đề giới hạn băng thông trong/ngoài nuớc hay tín hiệu không ổn định.

Đều dùng dịch vụ internet như những hộ dân thông thường khác, tuy nhiên với các tòa nhà chung cư, người dân còn phải chịu nhiều bất cập mà ít ai ngờ tới. Thậm chí còn có nguời cho rằng: Khi dùng mạng tại khu chung cư, nhà cung cấp là thượng đế và phải chiều lòng họ.

1. Độc quyền kinh doanh dịch vụ internet

Một số nhà cung cấp dịch vụ internet có tiếng tại Việt Nam như FPT, VNPT, Viettel hay SCTV đưa ra rất nhiều gói cước dịch vụ hấp dẫn với mức giá cạnh tranh, chỉ với khoảng hơn 100 nghìn đồng mỗi tháng, bạn có thể sử dụng gói internet cáp quang tốc độ cao. Nhưng sự cạnh tranh đó không mang lại nhiều lợi ích đối với người dân sống tại chung cư. Khi những tòa chung cư mới mọc lên, nhà cung cấp mạng thường đua nhau chiếm suất "độc quyền" để bao trọn lượng người dùng tại đó.


Internet tại những tòa chung cư luôn là miếng bánh béo bở cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Nếu tính trung bình mỗi tầng của tòa chung cư có 10 phòng, với tòa 20 tầng, nhà mạng đã "nắm" trong tay khoảng gần 200 người dùng sử dụng dịch vụ của mình. Điều đáng nói là dù bạn không vừa lòng, phải trả giá cao hơn nhà cung cấp khác và chất lượng không được như mong muốn thì vẫn buộc phải sử dụng, đơn giản vì nhà cung cấp khác không thể triển khai hạ tầng tại đây.

Một người dùng sống tại khu chung cư khu vực Hà Đông cho biết: "Mình đang dính độc quyền của Hanoi Telecom. Nhiều lúc đêm về 9h trở đi là mất mạng. 3G khu đó thì không ổn định, mà dân internet, mạng nó như máu. Có lần suýt bị phạt vì tối không vào mạng đc."

"Được" độc quyền bởi nhà cung cấp lớn vẫn là niềm hạnh phúc, người dân tại chung cư The Useful (Q. Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: "Chung cư mình độc quyền bởi nhà cung cấp SPT, nếu là VNPT hay Viettel, FPT thì không nói nhưng bên mình chỉ được chọn mạng này, độ ổn định kém. Khi ý kiến với ban quản lý tòa nhà thì được trả lời rằng không có ai than vãn vấn đề mạng tại đây, gọi lên tổng đài nhà mạng mình lại được hướng dẫn khởi động modem. Nhưng việc khởi động modem không khắc phục được tình trạng bởi vốn dĩ hạ tầng đã không đảm bảo".

Đương nhiên vẫn có một số tòa chung cư cao cấp triển khai hạ tầng cho nhiều nhà mạng, nhưng lựa chọn không nhiều như người dùng tại khu vực khác. Dù sao họ cũng may mắn hơn việc phải sống với cảnh "độc quyền" một dịch vụ thiết yếu.

2. "Quay như chong chóng" khi lắp đặt dịch vụ

Đây là bức xúc mà chính tôi đã từng gặp phải khi đăng ký lắp đặt dịch vụ internet tại tòa nhà chung cư. Ký hợp đồng xong, phía nhà cung cấp hẹn sẽ lắp đặt trong thời gian 3 ngày, tuy nhiên tới ngày thứ 4 vẫn không thấy bất kỳ ai liên hệ.

Vị trí đặt modem thường thấy tại các chung cư, gây khó khăn khi kiểm tra.

Chủ động gọi lên tổng đài để hỏi thông tin, tôi được biết họ đã mang thiết bị tới tòa nhà nhưng không được phép trực tiếp lắp đặt, kỹ thuật tòa nhà yêu cầu để lại thiết bị, tòa nhà sẽ là trực tiếp triển khai cho người dân. Tôi có hỏi rõ vấn đề với kỹ thuật tòa nhà và được giải đáp rằng: "Tòa nhà được thiết kế có đầu nối chờ sẵn tại khu vực kỹ thuật, khu vực này đã có đầu chờ sẵn của các nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ tại đây và chỉ nhân viên tòa nhà mới được ra vào. Vì vậy đội kỹ thuật của tòa nhà mới được triển khai dịch vụ tới từng hộ dân, bên phía nhà mạng chỉ có trách nhiệm ký hợp đồng và cung cấp dịch vụ chờ sẵn ở đầu nối".

Dẫu biết là vậy nhưng việc "thượng đế" phải chủ động liên hệ để gọi người tới lắp dịch vụ gây không ít bức xúc cho người dân, nhất là với những người làm việc liên quan tới internet.

3. Ông nọ đổ lỗi cho ông kia khi lỗi mạng

Khi mạng lỗi, gọi điện tới tổng đài nhà cung cấp bạn sẽ được nhân viên đặt lại các thông số tài khoản, nếu vẫn không khắc phục được, nhân viên kỹ thuật sẽ tới kiểm tra trực tiếp. Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như lỗi chỉ ở một phía nhà cung cấp.

Kỹ thuật viên kiểm tra mạng nhưng không thể tìm được nguyên nhân lỗi do phát sinh từ chính phía tòa nhà.

Khách hàng sử dụng dịch vụ tại chung cư Golden Place (Hà Nội) chia sẻ trường hợp gặp phải: "Nhân viên nhà mạng đến không khắc phục được sự cố, họ đổ lỗi cho tòa nhà. Khi tôi liên hệ tòa nhà, họ lại yêu cầu liên hệ nhà cung cấp vì khẳng định lỗi do phía nhà mạng. Sau khoảng 2 - 3 ngày không giải quyết được sự cố, tôi gửi đơn kiến nghị yêu cầu đội ngũ kỹ thuật tòa nhà kiểm tra và kết quả là bộ chia cổng ở hộp kỹ thuật của tòa nhà bị... cháy. Việc gộp chung vào hộp kỹ thuật làm tăng tính thẩm mỹ cho tòa nhà nhưng bên cạnh đó nhân viên kỹ thuật tại đây cũng nên quan tâm hơn tới công việc của họ thay vì chỉ đổ lỗi cho phía bên kia".

Vấn đề trên xảy ra thường xuyên ở nhiều chung cư mới hiện nay. Có vẻ như sau khi hoàn tất hợp đồng "giữ chỗ" với tòa nhà, nhiều nhà mạng không chú ý nhiều tới việc chăm sóc khách hàng và để xảy ra tình trạng không thống nhất với đội ngũ kỹ thuật vận hành trực tiếp.

Phía trên chỉ là những trường hợp thường gặp trong vô vàn những bức xúc mà người dân ở chung cư gặp phải khi sử dụng dịch vụ internet. Bạn đọc có thể chia sẻ về trường hợp của mình bằng cách để lại bình luận phía dưới bài viết.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN